Ngày 20.04.2022: Giá vàng diễn biến phức tạp, khó lường
Sau khi tăng trên 1 triệu đồng/ lượng trong ngày 19/04, giá vàng trong nước rạng sáng 20/04 giảm với mức giảm từ 150.000 đồng đến 350.000 đồng ở cả hai chiều so với ngày trước đó.
Vàng SJC bán ra tại web Sgold vẫn ở mức 70,60 triệu/lượng. Trong khi đó, sản phẩm Lộc vàng SBJ các loại giao dịch tại quầy (Thần tài, Quý Linh, Túi Lộc,..) còn 5.825.000 đồng/chỉ. Để cập nhật giá vàng nhanh chóng, khách hàng giao dịch mua bán vàng theo giá trực tuyến sgold tại https://sgold.sacombank-sbj.com.
Giá vàng quốc tế
Chịu áp lực chốt lời mạnh khi tăng vọt lên mức 2.000 USD/ ounce, giá vàng thế giới rạng sáng 20/04 (giờ Việt Nam) “lao dốc”. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 giảm 26,9 USD xuống còn 1.959,6 USD/ ounce. Vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.950,6 USD/ ounce giảm 28,3 USD so với ngày trước đó.
Ngoài áp lực chốt lời, giá dầu thô giảm, đồng USD mạnh hơn và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cũng “chống lại” các nhà đầu cơ giá lên trên thị trường kim loại quý.
Trong phiên giao dịch, giá dầu thô kỳ hạn trên sàn Nymex giảm mạnh và giao dịch quanh mức 103 USD/ thùng. Đồng USD neo quanh đỉnh 2 năm, chỉ số USD Index có lúc tăng lên trên 101 điểm, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện đạt 2,898%, gần mức cao nhất trong 3 năm.
Các thị trường quan trọng cho thấy giá dầu thô đi xuống, giao dịch ở mức 103 USD/thùng, gây áp lực lên giá vàng hôm nay.
Nhà đầu tư tiếp tục mua "đồng bạc xanh" sau khi một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nói rằng không nên loại trừ khả năng FED sẽ quyết định tăng thêm lãi suất cơ bản 0,75 điểm % tại cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 5-2022 để sớm hạ nhiệt lạm phát.
Mặt khác, lãi suất trái phiếu Mỹ vọt lên gần 2,9%/năm đã kích thích giới đầu tư thu gom USD để mua trái phiếu làm cho USD tăng giá nhiều hơn nữa. Giá vàng hôm nay gánh thêm áp lực đi xuống.
Nhà phân tích cấp cao Lukman Otunuga của FXTM dự báo giá vàng sẽ giao dịch trong phạm vi 1.960 USD - 2.000 USD/ounce trong thời gian tới.
Ông cho rằng, rủi ro địa chính trị gia tăng và những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu có thể kích hoạt tâm lý e ngại rủi ro, khiến các nhà đầu tư đổ xô vào kim loại quý để bảo vệ tài sản của mình.
Tuy nhiên, việc đồng USD tăng mạnh hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cộng với kỳ vọng tăng lãi suất của Fed có thể tạo ra nhiều trở ngại trên đường chinh phục mức 2.000 USD/ ounce một lần nữa của vàng.